Có một cuốn sách mà cho đến bây giờ mình vẫn đọc lại nhiều lần để tìm kiếm và áp dụng những bài học vào cuộc sống, đó là “Atomic Habits”. Mình xin chia sẻ lại một vài đúc kết từ cuốn sách này trong việc áp dụng vào tư duy học tập.
Xuất phát từ chiến lược xây dựng thói quen trong Atomic Habits, khi điểm tập trung nên bắt đầu từ “căn tính” (là cách bạn nhìn nhận, đánh giá bản thân mình).

Tương tự như vậy, thay vì tập trung vào mục tiêu bên ngoài (outcome) – chỉ xử lý được phần ngọn, việc học tập nên được xuất phát từ bên trong mỗi cá nhân, xử lý ở phần gốc của vấn đề. Bạn có thể bắt đầu từ câu hỏi đơn giản:
“Bạn muốn trở thành người như thế nào? Việc học tập đóng vai trò gì giúp bạn trở thành con người đó?”
Trả lời câu hỏi này giúp bạn xác định được đâu là lĩnh vực cần học, đâu là điều có thể bỏ qua. Tiếng Anh có thể phù hợp với nhiều người, nhưng không đồng nghĩa là bạn phải học tiếng Anh bằng mọi giá trong thời điểm này, liệu có 1 kỹ năng nào khác quan trọng, đáng để học hơn không?
Dựa trên tư duy chiến lược trên, có 3 yếu tố mình muốn để cập tới trong bài viết này:
- 1 là Thái độ phù hợp
- 2 là Môi trường phù hợp
- 3 là Phương pháp phù hợp
1- Thái độ học tập phù hợp.
Mình từng trải nghiệm việc học tập ở những môi trường khác nhau, từ những khóa học dành cho quản lý, lãnh đạo; câu lạc bộ dành cho các chủ doanh nghiệp, cho đến những khóa học tiếng Anh dành cho các bạn sinh viên, học sinh cấp 3; gần đây nhất là khóa học thạc sĩ ở Úc.
Dù cho là ở những lớp học rất đắt đỏ, nhưng mình vẫn dễ dàng thấy được nhiều bạn đến lớp chỉ để có mặt, vì công ty giao cho phải đi hay vì cần học cho qua môn, lấy cái bằng.
Dù là bỏ rất nhiều tiền để đến lớp, bay sang một đất nước xa tít mù tắp đến nửa vòng trái đất để học tiếng Anh, những vẫn có nhiều bạn tận dụng mọi cơ hội để được nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, có lẽ vì nó rất thoải mái.
Vì vậy, theo mình đánh giá thì thái độ học tập là chính yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong việc học tập, dù là học trên trường lớp hay là tự học.
Thái độ học tập là góc nhìn của bạn dành cho việc học, nó sẽ quyết định những lựa chọn, hành vi hàng ngày của bạn liên quan đến việc học. Và tất nhiên, sẽ không có thái độ học tập đúng chung cho tất cả mọi người, nó cần có tính cá nhân hóa, tức là mỗi người học cần tìm hiểu để đặt ra thái độ học tập phù hợp cho riêng mình.
Tuy nhiên, theo mình vẫn sẽ có một vài đặc điểm phù hợp với số đông, các bạn có thể tham khảo, ví dụ như:
Học tập là câu chuyện cả đời
Giống như câu nói “Life is a Marathon, Not a Sprint” – góc nhìn này sẽ giúp bạn thiết lập việc học và phân phối sức phù hợp với từng giai đoạn. Xây dựng việc học như một thói quen, thay vì là một công việc phải hoàn thành trong thời gian ngắn.
Người học nên được đặt làm trung tâm
Bạn là người học và bạn phải là trung tâm của việc học. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm cho việc học của mình, thay vì giao trách nhiệm đó cho người khác. Bạn cần tìm kiếm những cách học phù hợp, hiệu quả và vui vẻ thay vì việc chịu đựng, học theo cách ngẫu nhiên mà người khác thiết lập cho bạn.
Học tập phải có chọn lọc
Vấn đề của 20 năm trước là quá ít tài liệu học tập, còn vấn đề của hiện tại mình cho rằng ngược lại, chúng ta có quá nhiều thứ để tiêu thụ. Nếu không có một bộ lọc thông tin phù hợp, học vô tội vạ, bạn sẽ chẳng đi đến đâu cả. Theo mình, cái bẫy “gì cũng biết nhưng thực ra chẳng hiểu sâu cái gì” nó còn nguy hiểm hơn là không biết.
Điều chỉnh cái tôi phù hợp
Ví như khả năng học tập của một người như tấm bọt biển, thì cái tôi của bạn sẽ quyết định bạn hấp thụ thêm được bao nhiêu nước. Nếu cái tôi quá cao, thì dù ở môi trường nào, bạn sẽ không hấp thụ thêm được bao nhiêu cả. Cho đến bây giờ khi nhớ lại, những bài học sâu sắc nhất trong cuộc đời của mình lại xuất phát từ những người, những hoàn cảnh rất bình thường mà mình không hề kỳ vọng trước. Càng giảm được cái tôi cá nhân, bạn sẽ càng học được nhiều hơn.
Sẽ có những nguyên tắc riêng, phù hợp cho việc học của mỗi người, bạn cần tìm hiểu thêm và đúc rút những bài học cho riêng mình để có một thái độ học tập đúng đắn. Đó sẽ là nguồn động lực đẩy bạn về phía trước, là nguyên tắc hỗ trợ bạn lựa chọn khi đứng trước mỗi quyết định.
Vậy làm cách nào để có một thái độ học phù hợp?
Mình rất đồng tình với kết luận của Phó giáo sư BJ Fogg (tác giả cuốn “Tiny Habits”), trong một bài nói chuyện, ông kết luận rằng: “thông tin sẽ thay đổi thái độ, và khi thái độ thay đổi thì hành vi sẽ thay đổi”.
Bạn khó có được thái độ học tập đúng cho riêng mình nếu bạn chỉ ngồi đó suy nghĩ. Thay vào đó, mỗi người học nên dành thời gian để nghiên cứu để có thật nhiều thông tin về việc học, có những góc nhìn khác nhau, sau đó mới là chiêm nghiệm, đúc rút những bài học cho riêng mình.
2- Môi trường phù hợp
Sau thái độ, môi trường sẽ là yếu tố quan trọng thứ 2. Như trong podcast gần đây của anh Hiếu, động lực (intrinsic motivation) và áp lực (extrinsic motivation) sẽ là 2 yếu tố thúc đẩy việc học tập, giống như “xăng hoặc điện” để chạy xe vậy, bạn cần có ít nhất 1 trong 2 yếu tố này để duy trì việc học tập trong thời gian dài. Trong trường hợp của mình, mình dùng cả 2.
Mình bắt đầu với căn tính, xây dựng mục tiêu, tạo động lực từ bên trong. Song song với đó, mình cũng thường dùng yếu tố môi trường như một công cụ để hỗ trợ việc học tập. Khi hết xăng mình sẽ sài điện, rồi đôi khi lại chuyển đổi từ điện qua xăng.
Một điều khó tránh khỏi, khi sử dụng yếu tố môi trường sẽ tạo ra những áp lực nhất định cho việc học, thế nhưng mình nhìn nhận rằng các áp lực này là cần thiết và hữu ích.
Một lợi ích khác của môi trường học tập, đó là việc tạo ra những yêu cầu ngược lại cho việc học, nó cũng cấp thêm những lý do phù hợp, củng cố cho việc học của bạn.
Lấy ví dụ về việc học tiếng Anh, sau một thời gian quan sát mình để trả lời câu hỏi: “Những ai là người sử dụng tốt tiếng Anh?”, ngoại trừ yếu tố năng khiếu, mình thấy rằng có một số nhóm người sau:
- Giáo viên dạy tiếng Anh.
- Du học sinh ở các nước nói tiếng Anh.
- Các bạn làm ở công ty đa quốc gia, sử dụng tiếng Anh trong công việc.
Yếu tố chung của những nhóm này là môi trường tiếng Anh, yếu tố này yêu cầu ngược lại các bạn phải sử dụng và trao dồi tiếng Anh liên tục, qua thời gian (tính bằng năm) đa phần các bạn sẽ sử dụng tiếng Anh rất tốt. Trong trường hợp cá nhân, mình lựa chọn thiết lập môi trường du học để thúc đẩy việc học tiếng Anh của mình. Tất nhiên, việc du học sẽ bổ trợ cho mình cả những mục tiêu quan trọng khác nữa.
Phụ thuộc vào từng điều kiện, các bạn cũng có thể tìm kiếm và thiết lập môi trường học tập cho riêng mình. Đối với việc học tập hay thiết lập các thói quen tốt cũng vậy, đừng chỉ dựa vào ý chí hay sức bền bỉ mà quên đi sự hỗ trợ của môi trường. Đôi khi chỉ cần thay đổi môi trường đi một chút, mọi việc có thể trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
3- Phương pháp phù hợp
Tuần vừa rồi anh Hiếu có thêm 1 Podcast nói về những phương pháp tự học phù hợp (Các bạn có thể xem ở đây). Về cá nhân, mình chỉ muốn đóng góp thêm 1 vài ý kiến như sau.
- Thứ nhất, hiện tại đã có rất nhiều phương pháp học tập đa dạng. Bạn nên dành thời gian để tìm cách học mới, hiệu quả cho riêng mình. Youtube là một kênh bạt ngàn những video nói về chủ đề này.
Với bản thân mình, lúc tìm hiểu mình thấy rằng phương pháp học tập hiện tại đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm 10-15 năm trước – thú vị hơn, hiệu quả hơn.
Đừng quên rằng ngay việc tự tìm hiểu, áp dụng những phương pháp học tập mới đã làm cho việc học của bạn trở nên thú vị hơn rất nhiều rồi.
- Thứ hai, ngoài project-based learning mà anh Hiếu đã giới thiệu, các bạn có thể tìm hiểu thêm các phương pháp tiếp cận khác cho việc học tập chủ đề mới như Team based learning, Problem based learning, từ đó có những cách tiếp cận đa dạng phù hợp cho từng trường hợp trong học tập và các công việc khác nhau.
- Thứ 3, “Thử, sai và sửa lại”: dù cho là trong công việc kinh doanh, học tập hay làm việc, mình đều thấy quan điểm “thử, sai và sửa lại” đều phù hợp. Khi phương pháp không thay đổi, sao bạn kỳ vọng kết quả thay đổi? Càng có nhiều trải nghiệm, bạn càng có nhiều bài học tích lũy cho riêng mình, thế nên cứ dũng cảm mà trải nghiệm cách mới nhé. Miễn sao bạn ước chừng được cái sai của mình trong khoảng chừng mực, đừng để “game over” là được.
Tóm lại, trong bài viết này, mình đề xuất 3 yếu tố mà mình coi là quan trọng trong việc học tập: thái độ, môi trường và phương pháp. Để học tập tốt dù là trên trường lớp hay tự học, bạn nên dành thời gian xây dựng một thái độ học tập phù hợp, một môi trường phù hợp để hỗ trợ và những phương pháp học tập riêng để việc học trở nên thú vị, hiệu quả hơn.
Về chủ đề này, mình có rất nhiều ghi chú, mình sẽ chia sẻ góc nhìn cá nhân trong thời điểm phù hợp để mọi người tham khảo.
Cảm ơn các bạn đồng môn!