Bài học từ Richard Feynman

Trong thế giới mà việc tiếp cận với thông tin dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết, vấn đề mà chúng ta thường gặp phải đó là sự nhầm lẫn giữa “hiểu” và “biết” về một chủ đề. Đọc báo nhanh, lướt mạng xã hội, video ngắn từ tiktok, làm cho nhiều người rơi vào trạng thái “biết rất nhiều thứ, nhưng không thực sự hiểu sâu thứ gì.”

Có một câu nói vô cùng nổi tiếng của Richard Feynman liên quan đến vấn đề này:

“…the difference between knowing the name of something and knowing something.”

Richard Feynman.

Kỹ thuật Feynman

Richard Feynman (1918-1988), là nhà vật lý học nổi tiếng người Mỹ, người đã từng đạt giải Nobel (1965) và nhiều giải thưởng danh giá khác 1

“The Feynman Technique” hay Phương pháp Feynman được ông chia sẻ như một công cụ hỗ trợ học tập và nghiên cứu, cách ông trở lên thông thạo với mọi chủ đề. Phương pháp của ông khuyến khích người học thực sự đi sâu vào việc tìm kiếm và hiểu rõ một chủ đề thông qua việc giải thích lại những kiến thức đó bằng ngôn ngữ của mình cho một người mới, theo cách đơn giản, dễ hiểu.

Nói một cách đơn giản, Feynman khuyên người học: “Hãy học tập một chủ đề theo cách bạn có thể giải thích dễ dàng cho một đứa trẻ.”

Thông qua việc giải thích lại chủ đề dưới ngôn ngữ của mình, người học có thể tìm thấy đâu là điều mình thực sự hiểu, đâu là vấn đề còn khuyết thiếu, từ đó có cơ sở để hoàn thiện kiến thức của mình.

4 bước cơ bản của Phương pháp Feynman:

  • Chọn lựa và nghiên cứu 1 chủ đề.
  • Cố gắng giải thích chủ đề đó bằng những ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu cho người khác, ví dụ như là một đứa trẻ, người hoàn toàn mới với chủ đề đó. Bạn cũng có thể chủ động viết, giải thích lại với ngôn ngữ của mình.
  • Chỉ ra những điều mà mình còn thiếu sót, chưa thực sự hiểu rõ.
  • Quay trở lại hoàn thiện các lỗ hổng đó cho tới khi hoàn thiện.

Phía sau sức mạnh của Feynman Technique?

Trong cuốn sách của mình, “Surely You’re Joking Mr. Feynman!”, tựa bản dịch tiếng Việt “Chuyện thật như đùa”, tác giả kể lại câu chuyện từ thời học phổ thông của mình. Giáo viên vật lý đã đưa ra cho ông một thử thách, học hết kiến thức trong một cuốn sách (Advanced Calculus by Woods), thay vì việc làm ồn trong lớp học. Cuốn sách đó đã chỉ ra cho ông cách phân biệt tham số dưới dấu tích phân, một điều mà không được chú trọng trong chương trình học. Ông đã sử dụng phương pháp đó nhiều lần và từ đó có những cách đặc biệt để tính tích phân 2. Kết quả là ông đã sử dụng phương pháp đó để giải tích phân theo cách vô cùng hiệu quả, dễ dàng vượt qua những người bạn của mình khi học tại MIT hay Princeton, những người vẫn sử dụng phương pháp chính thống mà trường học đã dạy cho họ. Ông cho rằng hầu hết các sinh viên theo học Ph.D (chương trình tiến sĩ) tại MIT hay Princeton đều rất thông minh, điều khác biết chỉ là cách ông nhìn nhận vấn đề. Feynman có một hệ thống mô hình tư duy lớn hơn.

Mô hình tư duy là gì? What is a mental model?

Một mô hình tư duy được hiểu đơn giản là cách giải thích một thứ hoạt động như thế nào. Nó có thể là một khái niệm, khung cấu trúc, hay một thế giới quan thứ mà bạn sử dụng để giải thích thế giới và hiểu được các mối quan hệ giữa các sự vật.

  • Cung và cầu: là một mô hình tư duy giúp bạn hiểu được nền kinh tế hoạt động như thế nào.
  • Lý thuyết trò chơi (game theory) giúp bạn hiểu cách thức hoạt động của các mối quan hệ và lòng tin.
  • Hỗn độn (entropy) giúp bạn hiệu sự hỗn loạn và suy tàn hoạt động như thế nào 3.

Mô hình tư duy đưa bạn đến những nhận thức và hành vi. Chúng được coi như những công cụ tư duy, giúp bạn hiểu về cuộc sống, đưa ra các quyết định hay giải quyết những vấn đề. Như cách mà Richard Feynman học và sử dung phương pháp tính toán mới, việc học một mô hình tư duy mới sẽ cung cấp cho bạn một cách nhìn mới về thế giới quan.

Có một sự thật là không có mô hình tư duy nào là hoàn hảo, chính xác 100%, thế nhưng nhìn chung chúng hữu ích trong cuộc sống. Phát triển tư duy dựa trên nhiều mô hình tư duy của các lĩnh vực khác nhau cũng vô cùng quan trọng, nó giúp bạn đưa ra những lựa chọn khôn ngoan hơn, hành động tốt hơn. Nếu chỉ sử dụng một vài mô hình tư duy trong 1 ngành cụ thể thì cũng giống như việc bạn dùng búa và nhìn mọi vấn đề đều là những chiếc đinh, bạn sẽ đóng mọi thứ.

3 Mental Model cốt lõi

Ý tưởng từ câu chuyện của Richard Feynman hướng đến một giải pháp tiềm năng cho sự học, đó là tìm hiểu và học tập các mental models, thay vì việc chỉ tập trung thời gian vào các chi tiết, tình huống cụ thể. Câu hỏi đặt ra tiếp theo “Vậy thì đâu là những mental model chúng ta cần tìm hiểu?”. Dưới đây là 3 mô hình tư duy có thể coi là nền tảng cốt lõi và quan trọng trong cuộc sống 4.

1- The Map is Not the Territory – Nhận thức sự khác nhau giữa niềm tin và thực tế

Bản đồ thường được chúng ta phác họa làm đơn giản hóa của những con đường, địa điểm thực tế. Nó đại diện cho một vùng đất, nhưng không có nghĩa nó chính là vùng đất đó. Phép ẩn dụ này muốn nhắc đến sự khác nhau giữa niềm tin của con người và thực tế. Con người luôn cố gắng đơn giản hóa thực tế, biến chúng thành những công thức, niềm tin, thế nhưng chúng ta phải luôn nhận thức rõ sự khác nhau cơ bản này để nhận thực và đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.

2- Circle of Competence – Vòng tròn năng lực

Khái niệm này được phát triển bởi 2 nhà đầu tư nổi tiếng, Warren Buffett và Charlie Munger. Mô hình này nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc điều chỉnh giữa đánh giá chủ quan và năng lực thực sự của một người.

Buffett cho rằng chúng ta cần biết và chú ý đến vòng tròn năng lực của mình. Bạn biết được bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn nhận thức được đâu là điểm giới hạn trong kiến thức của mình. 5

3- First Principles Thinking – Tư duy nguyên bản

Tư duy theo những nguyên tắc đầu tiên (hay tư duy nguyên bản) được nhắc đến nhiều lần bởi tỉ phú thế giới Elon Musk. Đây được coi là công cụ làm rõ các vấn đề phức tạp bằng cách bóc tách chúng thành những mảnh ghép cơ bản, loại bỏ chúng ra khỏi những giả định đang có, từ đó xây dựng lại và sáng tạo ra những thứ mới mẻ hơn. Phương pháp này giống với việc bạn bóc tách 1 khối lego thành những mảnh ghép nhỏ, từ đó xây dựng một mô hình mới theo cách riêng mình 6.

5/5 - (1 vote)
Footnotes

  1. Richard Feynman History: https://vi.wikipedia.org/wiki/Richard_Feynman

  2. Sách: https://tiki.vn/feynman-chuyen-that-nhu-dua-tai-ban-p12053550.html

  3. Article: https://jamesclear.com/feynman-mental-models

  4. The Core Mental Models – https://fs.blog/mental-models/

  5. Circle of competence: https://en.wikipedia.org/wiki/Circle_of_competence

  6. First Principles: https://jamesclear.com/first-principles

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments