Trước kia, khi làm việc cùng các bạn để giải quyết vấn đề, mình rất hay gặp phải những cuộc đối thoại như thế này:
– Ủa, sao em xử lý như vậy?
– Bữa trước anh có hướng dẫn làm vậy mà?
– Ôi,…em phải “linh động” lên chứ!!!
“Xử lý linh động” là giải pháp để xử lý các vấn đề, đặc biệt trong môi trường thực tế, các tình huống luôn thay đổi. Không giống như ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta không có một cách giải cố định nào cả. Nhưng “linh động” là như thế nào?
Khi bắt đầu vào khoá học tại MQ, kỹ năng đầu tiên mình được dạy là “critical thinking” / tư duy phản biện – nó gần giống với việc suy nghĩ “linh động” nhưng có hệ thống hoá và khoa học hơn.
Tư duy phản biện là gì?
Theo “ông thần ChatGPT” tóm tắt:
“Tư duy phản biện là quá trình phân tích và đánh giá thông tin một cách có hệ thống, logic dựa trên các bằng chứng với nhiều khía cạnh khác nhau để lập luận và đi đến kết luận tốt nhất.”
Tư duy phản biện đặt trên giả định “mọi thông tin đều có khả năng sai”, đặc biệt trong thời đại công nghệ và internet phát triển, chính vì vậy bản thân mỗi cá nhân đều cần có khả năng tự đánh giá, kiểm chứng khi tiếp nhận thông tin và đưa ra kết luận của riêng mình.
Làm sao để có được “Tư duy phản biện”?
Giống như các kỹ năng khác, nếu bạn chỉ biết được khái niệm của nó thì không bao giờ là đủ, thay vào đó bạn phải thực hành, tập luyện nó theo thời gian. Có rất nhiều biết, nhiều người hiểu rõ về “critical thinking”, nhưng đến lúc “lâm trận” lại không thể sử dụng nó một cách hiệu quả.
Ở Macquarie Uni, khi bắt đầu mỗi lớp học, thầy cô mình luôn mở đầu bằng mấy câu nói, kiểu như:
“Tôi sẽ chẳng dạỵ bạn nhiều lắm đâu” hay “Tôi chỉ là người hướng dẫn, bạn phải “tự lực cánh sinh” thôi!!!”…
Và đúng là sau đó, thầy cô làm thế thật.
Sinh viên sẽ phải tự đọc và nghiên cứu tài liệu, tham gia các hoạt động tự đánh giá và đưa ra phản hồi cho nhau, tự đối chiếu và nhìn nhận các mặt mạnh yếu và phương hướng điều chỉnh, cải thiện.
Một hoạt động điển hình nhất mà sinh viên VN mình “cảm thấy ngơ ngác”, đặc biệt trong mấy tuần học đầu tiên, đó là “peer feedback”. Thay vì sinh viên làm bài, giáo viên kiểm tra và sửa giúp, các bạn sinh viên phải tự đánh giá chéo cho nhau. Nhiều câu hỏi được đặt ra: “Ủa, các bạn trình độ tương đương thì có thể đóng góp gì cho nhau? Học làm sao từ feedback của các bạn? Thầy cô sao không được feedback để có câu trả lời đúng nhất?”
Nhưng nhìn nhận dưới góc độ “rèn luyện tư duy phản biện”, theo mình “peer feedback” lại là cách thực hành cực kỳ hiệu quả. Nó giúp cho sinh viên học một cách chủ động, thực hành phân tích và đánh giá cũng như đưa ra biện luận bảo vệ ý kiến của mình. Sinh viên có thể học được cách nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, thấy được điểm mạnh (để phát huy) cũng như điểm yếu (để sửa đổi) cải thiện cách làm của mình.
“Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”
Đây là câu nói truyền cho mình rất nhiều động lực ở tuổi 20. Nó làm mình tìm kiếm và mong mỏi “một viễn cảnh đẹp như phim” – khi một người thầy xuất hiện và dạy cho mình mọi thứ.
Ngoài 30, mình mới nhận ra là mình không cần thiết phải kỳ vọng như thế, mà thực tế cũng mấy ai gặp đâu. Bản thân mình, là người học, trước hết vẫn phải là trung tâm, sau đó mới đến môi trường, thầy cô và bạn bè xung quanh.
“Sẵn sàng” là việc háo hức với việc học những kiến thức mới, có một tư duy mở để tiếp nhận, “critical thinking” để biết cách tự đánh giá một cách logic, học hỏi những điều giá trị và phù hợp.
“Người thầy” lúc đó có thể là thầy cô, bạn bè, thậm chí là cả những người ít kinh nghiệm hơn bạn.
Câu nói trên vẫn giá trị, nhưng mình cần đổi cách nhìn sang một góc độ khác rộng mở hơn.
Sydney,
Feb 25, 2023.