Mấy bữa nay mình hay nhận được “lời chúc mừng” vì chuyện đi học, ấy thế mà mình lại không thấy mừng lắm. Mặc dù đúng là có một thời gian dài mình cố gắng theo đuổi và cuối cùng đạt được mục tiêu – là được đi học MBA ở Úc, thế nhưng nhìn lại, mình chỉ coi đó là lựa chọn, mà đã là lựa chọn thì sẽ có 2 mặt, cũng có cả sự hy sinh.

Lựa chọn
Tháng 2.2022, sau một thời gian nghỉ Tết và lo liệu tương đối về việc giải thể công ty cũ, mình bắt đầu tính toán đến việc sẽ đi tiếp như thế nào.
Mình đã từng suy nghĩ sẽ…nghỉ hưu sớm, mua lấy mảnh đất rồi dựng một quán cafe bên cạnh bờ biển, gặp gỡ một vài người bạn tâm giao, tập trung đọc và viết sách. Một cách sống tự do theo cách của mình.
Thế nhưng tính đi tính lại vẫn thấy không ổn, “câu chuyện cuộc đời” nó không thể ngắn như thế. Mình sẽ viết gì? Trải nghiệm ít ỏi hay những câu chuyện viễn tưởng, mông mơ…
Thế rồi mình đi đến với một lựa chọn khác, nhiều trải nghiệm hơn – là “Đi du học”.
Khó khăn
Ý tưởng “đi du học” không phải là mới, mình đã từng suy nghĩ đến, nâng lên đặt xuống nhiều lần. Nó cũng giống như câu chuyện mua súng ở Mỹ, người ta sẽ không bán súng ngay cho bạn – có thể ngay lúc đó là thời điểm bạn nổi nóng và không sáng suốt – bạn sẽ phải chờ một khoảng thời gian, gọi là “cool down”, để suy nghĩ thực sự thấu đáo điều mình muốn làm. Chuyện đi học cũng như vậy, đối với mình là một điều hấp dẫn nhưng thực sự khó quyết định, và mình cũng muốn thực sự hiểu xem nó là “ước mơ” hay chỉ là ham muốn nhất thời.
2016 mình từng nghĩ thoáng qua về việc đi học, nhưng không “học để làm gì cơ chứ”.
2019 mình cảm thấy tràn trề cảm hứng từ việc đi học của một người thầy mình ngưỡng mộ, thế nhưng rồi vẫn không đủ để vượt qua…
Và cuối cùng là câu chuyện của năm 2022.
Mình vốn hay bị bạn bè trêu là “sensitive” – tức là kiểu quá cảm xúc. Ban đầu, mình cũng cho rằng ý tưởng này quá là bất khả thi, làm sao sống được xa gia đình và 2 đứa nhóc trong khoảng thời gian dài như vậy. Còn bạn bè, người thân và ti tỉ thứ khác nữa…
Thế rồi có bữa, mình nói bâng cua, kiểu nửa đùa nửa thật với vợ: “Hay là anh đi du học nhỉ?” – Vợ mình lại ủng hộ hết lòng…“Thôi chết dở…”
Mỗi lựa chọn đều có những khó khăn riêng, có người thì vướng mắc việc tài chính, có người lại thiếu ngoại ngữ, có người lại gặp vấn đề về tiểu sử không phù hợp…với mình thì lại là chuyện gia đình. Mình cũng chẳng giỏi giang, mạnh mẽ gì cho lắm, đến bây giờ, mặc dù cố gắng tỏ ra “can đảm”, mình chỉ mong mọi chuyện sẽ ổn thôi. Làm thế nào để vượt qua và bước tiếp là ở mỗi người.
Bù đắp những thiếu xót
Kỹ năng giao tiếp
Ngày còn là sinh viên, mình cũng từng nghĩ đến vấn đề này, đó là tập trung hoàn thiện những điểm yếu hay phát huy những điểm mạnh mà mình đang có. Mình là người hướng nội, không phải là kém…mà là cực kỳ kém trong khoản ăn nói, giao tiếp, làm quen hay nói chuyện trước đám đông. Thế nhưng bù lại, mình lại thấy dễ dàng hơn với máy tính, học nhanh hơn các phần mềm, tỉ mỉ chỉnh chu thiết kế thì mình ngồi cả ngày không chán.
Ma xui quỷ khiến thế nào, mặc dù mình cũng cố gắng thiết lập môi trường để điều hướng sang việc hoàn thiện những thiếu xót rồi – ví dụ như mình đi học các lớp giao tiếp, xin công việc đi bán hàng,..nhưng có lẽ mình cố gắng chưa đủ, cuối cùng vẫn là ôm chặt lấy cái máy tính.
Cho đến bây giờ, kể cả giai đoạn mình khởi nghiệp gần đây, những hạn chế cá nhân vẫn còn đó. Có nhân viên của mình từng tâm sự: “Ủa, em là nhân viên đến ứng tuyển, em được phép ngại ngùng, mà sao thấy anh Long làm giám đốc mà nói chuyện cũng ngại ngùng như em…” – thật sự “ngại” hết chỗ nói.
Khi nghe anh Hiếu chia sẻ về việc “Hãy coi đó là những kỹ năng và tìm cách luyện tập bù đắp”, cảm giác như đang chỉ bảo cho mình vậy. Hy vọng khoảng thời gian 2 năm tới, ở môi trường học thuật, mình có đủ thời thực hành để bù đắp những thiếu sót cá nhân trên. Không mong là giỏi, chỉ mong đủ sài.
Phương pháp học tập
Một thứ nữa, mà mình coi là nền tảng, đó là “học cách học”, các kỹ năng nâng cao hiệu quả của việc học tập mà mình có đề cập trong các bài viết trước đây từ đầu năm trên group. Về kiến thức lĩnh vực này các bạn có thể tham khảo khóa “Learning how to learn” của giáo sư Barbara Oakley, How to Study for Exams Ali Abdaal, Icanstudy của Justin Sung, Make it stick của Peter C. Brown – đó là một số chương trình mà mình theo học và nghiên cứu.
Tư duy phản biện – Critical Thinking
Về tư duy phản biện mình cảm thấy cực kỳ thú vị, tuy nhiên bản thân chưa rèn luyện được nhiều. Mình học tập và thực hành được nhiều nhất kỹ năng này qua cách viết các bài luận của IELTS, ngoài ra mình có học thêm 1 khóa trên Udemy.
Ngoại ngữ – tiếng Anh
Tiếng Anh cũng là một câu chuyện rất dài của mình. Ai cũng biết có tiếng Anh là tốt, thế nhưng vấn đề nằm ở “những trường hợp ngoại lệ – nhiều người giỏi tiếng Anh nhưng lại không đi được bao xa trong sự nghiệp, và nhiều người không giỏi tiếng Anh mà sự nghiệp vẫn thành công vang dội” – Vậy học hay không học?
Bản thân mình, 27 tuổi vẫn ù ù cạc cạc không biết xíu gì – thế rồi quyết định qua Philippines để “chiến đấu sống còn”, 33 tuổi (tính cho đến đầu năm) – mình vẫn nói tiếng Anh bồi, chỉ đủ giao tiếp hàng ngày với những câu đơn giản.
Mình muốn dạy các con, đọc sách gốc chất lượng tốt, nghe podcast từ những chuyên gia trên thế giới, nghiên cứu nhiều chủ đề nữa…Tiếng Anh kém là một trở ngại vô cùng lớn đối với mình.
Đây cũng là 1 trong những lý do để mình quyết định đi học, học cho ra ngô ra khoai ấy. Mình ôn tập IELTS từ đầu năm, may mắn bữa rồi thi vừa đủ điểm. Mặc dù rất chăm chỉ và đều đặn, nhưng cho đến giờ vẫn phải thừa nhận, đây không phải là sở trường của mình. Thế nhưng “việc khó khăn gấp đôi, gấp ba lần” không đồng nghĩa là từ chối hay ngừng nỗ lực – mình nghĩ vậy.

Ước mơ
Ước mơ của mình vẫn vậy, những có lẽ rời thời gian đi một chút, mình vẫn sẽ mở một quán cafe chill chill lúc về hưu, bên cạnh bãi biển lộng gió, gặp gỡ mọi người mình quý mến, trở thành một dịch giả, một người viết sách (không viết sách nhảm) và sống vui vẻ bên gia đình thân yêu.
Mình hy vọng sẽ được kể cho 2 đứa nhóc những điều thú vị về thế giới, về việc bố bọn nhóc đã “dám ước mơ và theo đuổi ước mơ như thế nào”. Hy vọng!
- Đây là câu chuyện của mình, hy vọng là tiếp thêm động lực cho ai đó đang có cùng giấc mơ du học. Ngoài ra, nếu cần biết thêm thông tin hay trợ giúp gì đó, các bạn comment phía dưới nhé. Mình sẽ cố gắng trả lời chi tiết trong khả năng của mình.
Lời cuối, xin đừng chúc mừng ạ! Mình nghĩ rằng các bạn còn có thể làm tốt hơn mình nhiều ấy, chỉ là có làm hay không thôi.
Quan trọng là hành trình sau khi đi du học nữa Long nhỉ? Rất mong Long có bài chia sẻ thêm về quá trình trăn trở tư duy về “câu chuyện cuộc đời” nếu có thể nhé. Chúc Long vững vàng & có thêm nhiều trải nghiệm trên hành trình mới.