Bài viết này mình chia sẻ trong nhóm cho các bạn sinh viên khóa mới của trường, tiện đây mình chia sẻ lại với mọi người, những ai còn quan tâm đến học tập.

Trước khi vào kỳ học, bên trường mình có tổ chức một buổi mang tên “Study Hacks”. Thực chất, đây là một buổi chia sẻ của mấy bạn sinh viên khóa trên, trình bày theo một slide chung. Vì các bạn nói sơ sài quá, mình về quyết định ngồi viết lại 1 bài nghiêm chỉnh về chủ đề này.
Nói về Study hacks, mình nghiên cứu chủ đề này từ cuối năm 2021, khi bắt đầu học lại tiếng Anh. Mình muốn hiểu rõ “Vì sao việc học của mình từ trước đến nay quá dở?”
1. NỀN TẢNG HỌC TẬP
Từ nhỏ đến lớn mình rất làng nhàng, “kiểu não cá vàng”, chưa bao giờ được giấy khen học sinh giỏi cả. Khi lên đại học, mặc dù cũng rất cố gắng ôn thi, nhưng đến lúc đậu và đi học thì mình lại không có chút cảm hứng nào, trừ các môn chuyên ngành liên quan đến Marketing.
Ngày đó mình nghĩ “việc học quá là lý thuyết, không sài được bao nhiêu”, do vậy lên lớp chỉ ngủ thôi. Đối với mình, việc đi làm để đỡ chi phí học tập cho bố mẹ quan trọng và thực tế hơn. Mình đi làm thêm rất nhiều từ năm nhất, còn việc học thì lay lắt mãi mới ra được trường.
2. VÌ SAO VIỆC HỌC KHÔNG QUAN TRỌNG?
Mặc dù đã phải rất cố gắng học – thi – làm thủ tục…và đóng nhiều tiền để được đi học, nhưng vẫn có nhiều người (giống như mình trước đây) cho rằng “việc học không quan trọng” (hoặc ít quan trọng), suy nghĩ này phi logic nhưng lại rất thực tế.
Khi chúng ta không đánh giá việc học là quan trọng, chúng ta có xu hướng dành ít thời gian, nỗ lực và sắp xếp ưu tiên cho các thứ khác lên trên, ví dụ như ưu tiên lịch đi làm hơn là lịch học, thời gian giải trí đặt trước lịch ôn tập bài, tự cho phép bùng học, bỏ tiết…
Làm sao để thay đổi suy nghĩ này?
Cá nhân mình cho rằng, mỗi bạn sinh viên cần làm rõ 2 thứ: một là mục đích của từng môn học, từng kỹ năng? Hai là ước mơ hay mục tiêu của bản thân – bạn muốn là ai, trở thành người như thế nào?
Khi bạn có mục tiêu rõ ràng cho tương lai, bạn muốn trở thành người như thế nào? Rồi sau đó, để trở thành người như vậy thì cần những kỹ năng gì? Kiến thức gì?
Khi bạn có thể ghép những yêu cầu cần thiết đó vào chương trình học, bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa của từng môn học, cũng như các hoạt động trên trường lớp.
Lấy ví dụ như mình rất tệ trong Public Speaking, vì thế các activites trên lớp mà yêu cầu phải thuyết trình là mình “khóc trong lòng” luôn.
Thế nhưng nếu suy nghĩ theo hướng ngược lại, các hoạt động này là cơ hội để mình hoàn thiện kỹ năng, thứ sẽ giúp ích cho mình rất nhiều trong môi trường công việc sau này, giao tiếp tốt hơn, có nhiều cơ hội hơn để bày tỏ quan điểm của mình trước đám đông…Vì thế mình mà thấy có cảm hứng, thích thú và tích cực tham gia hơn trong các hoạt động thuyết trình trên lớp – không luyện tập bây giờ thì đến bao giờ? (mặc dù…vẫn sợ).
3. VÌ SAO VIỆC HỌC TRÊN TRƯỜNG RẤT CHÁN?
Một suy nghĩ phổ biến nữa, là cho rằng việc học rất chán. Thậm chí là kinh khủng, đến mức trước đây, dù ra trường vài năm rồi nhưng thi thoảng nằm mơ, mình vẫn thấy phải quay lại trường học để làm bài kiểm tra, trả bài do nợ môn.
Mình cho rằng suy nghĩ này là do 2 vấn đề chính:
Một là, việc lặp lại một việc theo cách giống nhau từ ngày này qua ngày khác, giống như việc bạn chơi game, dù game đó hay đến mấy thì bạn vẫn thấy chán.
Hai là, kết quả của việc học không tiến triển. Cũng giống như chơi game, nếu kết quả cứ lẹt đẹt mãi không qua được bài đó, không nâng cấp được level mặc dù bạn có cố gắng, thì sớm muộn gì bạn cũng thấy chán và cho rằng mình không hợp, số phận này không an bài, bla…bla…
Để giải quyết 2 vấn đề này, theo mình có một cách là thực hiện đổi mới cách chơi – tìm kiếm phản hồi và nâng cấp phương pháp, ở đây cụ thể là phương pháp học tập.
Khi bắt đầu lên kế hoạch để học lại tiếng Anh, mình mới nhận ra rằng từ xưa đến nay, chưa lần nào mình nghiêm túc dành thời gian để nghiên cứu “phương pháp học tập”, mà chỉ làm theo bản năng hay phương pháp cũ mà thầy cô ngày xưa đã dạy – những kiến thức có thể đã rất cũ và nhiều hạn chế.
Vậy thì luyện tập như thế nào?
4. STUDY HACKS – PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ
Tìm hiểu về Study Hacks, mình thấy rằng có rất nhiều thứ mới để học và áp dụng, thậm chí có nguyên cả một mảng nghiên cứu dựa trên tâm lý học cho chủ đề này. Dưới đây là một số keywords bạn có thể tìm hiểu.
- Long-term and short-term memory
Thay vì coi việc ghi nhớ hay khả năng tiếp thu kiến thức là một năng lực sẵn có, chúng ta có thể thay đổi cách nhìn, tìm kiếm giải pháp tốt hơn, là tìm hiểu cách vận hành của não bộ, cách tiếp nhận và ghi nhớ thông tin, từ đó có những phương pháp cải thiện khả năng học tập.
- Trước khi học
Mapping, Interleaving, Questioning: là những kỹ thuật hỗ trợ bạn kích hoạt trí nhớ, tạo context, cải thiện khả năng ghi nhớ, hiểu bài, tránh được trì hoãn.
- Trong khi học
Chunking, Pomodoro: cải thiện khả năng tập trung, loại bỏ các tác nhân gây phân tâm, kích thích bộ não hoạt động tích cực.
- Sau khi học
+ Space repetition: cải thiện khả năng ghi nhớ bằng cách ôn tập khoa học, nhắc lại nhiều lần.
+ Active recall: củng cố trí nhớ, làm rõ các phần thực sự nhớ hay chỉ ở trạng thái mơ hồ.
+ Testing: kiểm tra trí nhớ, nhận phản hồi và hoàn thiện kiện thức, loại bỏ trạng thái illusion – mơ hồ.
+ Sleeping, Exercise: việc ngủ đủ giấc sẽ củng cố cho trí nhớ, tập thể dục thể thao hàng ngày sẽ tiết ra nhiều hơn dopamin, giúp bạn hứng khởi, nhiều năng lượng tích cực hơn cho học tập.
5. ÁP DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP MỚI
Về phương pháp học tập, mình nhìn nhận Study Hacks như giống một mindset hơn là tips hay tricks. Đối với bất kỳ chủ đề nào mang tính ứng dụng, các bạn có thể chia thành 3 cấp độ.
- Information – Thông tin: bạn có thể biết hoặc không biết, nghe hoặc đọc ở đâu đó. Dạng “thông tin” mang ít giá trị ứng dụng.
- Knowledge – Kiến thức: là những thông tin bạn hiểu và ghi nhớ. Bạn có thể dùng hoặc không dùng, ví dụ như bạn biết là tập thể dục tốt cho sức khỏe, thế nhưng bạn vẫn không tập bao giờ.
- Mindset – Tư duy: ở tầng này, bạn phải “work on it” và biến các kiến thức thành niềm tin, bạn xử lý và áp dụng một cách tự nhiên, giống như “nó phải thế”. Study Hacks hiệu quả nhất nếu nó được đẩy lên tầng này.
Phần này rất dài nên mình chỉ tóm tắt 1 đoạn cơ bản. Mình nghĩ nó rất cần thiết vì sẽ quyết định việc bạn áp dụng thành công các phương pháp học tập hay không. Nếu chỉ biết hay hiểu mà không áp dụng được thì thà không biết còn hơn, cho nhẹ đầu.
Và để đưa Study hacks từ tầng information (như cách đọc bài viết này) lên tầng mindset để sử dụng, các bạn phải tự tìm hiểu và thực hành – work on it, chiêm nghiệm và biến thành kỹ năng của mình, khi ấy Study hacks mới phát huy hiệu quả.
Một số phần mềm, ứng dụng hỗ trợ học tập dựa trên mindset trên mà mình sử dụng:
- Anki: học từ vựng, ôn tập, kiểm tra trí nhớ.
- Quizlet: ứng dụng tương tự Anki.
- Notion: ghi chép một cách có hệ thống, dễ dàng tra cứu và ôn lại bài.
- Pomo Timer: chia thời gian học theo các quãng ngắn (Pomodoro)
* Các nguồn hỗ trợ
Bạn có thể tìm đọc một số sách và khoá học sau:
- Learning how to learn (sách và khoá học https://www.coursera.org/learn/learning-how-to-learn)
- Ultralearning
- Make it stick
- Atomic habits (sách thói quen, có thể áp dụng xây dựng thói quen học tập)
Các Youtubers có thể follow và xem thêm về chủ đề này:
- Ali Abdaal
- Justin Sung
- Thomas Frank
Cuối cùng là sự kiên trì, não bộ có thể coi như một nhóm cơ bắp trên cơ thể, bạn không thể tập luyện ngày một ngày hai mà mong có kết quả, nó hình thành và phát triển từng ngày, qua thời gian dài.
Bạn cứ bắt đầu nhẹ nhàng và đơn giản, sau đó là kiên trì đều đặn, tăng dần lên và cải tiến, đến một ngày nhìn lại sẽ thấy khả năng học tập của mình tiến bộ, việc học cũng trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Chúc các bạn học tập hiệu quả!